Nguyên nhân, triệu chứng bệnh zona thần kinh

Bệnh zona thần kinh hoặc có tên gọi dân gian là bệnh giời leo, đây là bệnh vấn đề về da nhiễm trùng do virus, gây ra các phát ban đỏ rộp và đau đớn. Bệnh da liễu này có thể phát triển ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, nhưng theo các báo cáo y tế, hầu hết nó sẽ xuất phát ở dạng các nốt mụn nước mọc chi chít theo hàng dài ở bên trái hoặc phải của thân người.

Nguyên nhân của bệnh zona thần kinh

Như đã nói ở trên, virus VZV chính là nguyên nhân chính gây nên bệnh lý zona thần kinh. Không chỉ vậy, nó cũng còn là thủ phạm của bệnh thủy đậu mà có lẽ đã quen thuộc với tuổi thơ của nhiều người. Theo y học hiện đại, virus VZV được phân vào nhóm virus herpes, và đây là lý do mà các bác sĩ dùng cái tên khoa học “herpes zoster” cho bệnh zona thần kinh.

Nhiều tài liệu cũng chỉ ra một vấn đề mà ít người biết, đó là sau khi thủy đậu “rút quân” khỏi cơ thể thì virus VZV vẫn còn tồn tại. Nó chọn cách không hoạt động mà trú ngụ tại những hạch gốc của hệ thống thần kinh ngoại biên. Cũng phải bổ sung thêm răng tất cả chủng virus herpes đều có khả năng này, tồn tại vô thời hạn ở trạng thái ẩm mình im lặng.

Trong các điều kiện thích hợp, virus VZV có thể được kích hoạt trở lại, giống như thức giấc sau một mùa ngủ đông, rồi di chuyển đến dây thần kinh và gây nên nhiễm trùng. Các nhà khoa học chưa thể tìm ra chính xác yếu tố kích thích sự tái hoạt động của virus này, nhưng thường thì điều này xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể bị ngoại lai tấn công và làm suy yếu.

Một số những yếu tố rủi ro có thể “đánh thức” virus VZV gây bệnh zona thần kinh bao gồm:

  • Căng thẳng thần kinh hoặc chấn thương.
  • Các phương pháp trị bệnh với hoạt chất gây ức chế hệ miễn dịch.
  • Cơ thể nhiễm HIV.
  • Bệnh ung thư và việc tiếp nhận điều trị bệnh ung thư.
  • Tuổi cao, sức yếu.

Triệu chứng bệnh zona thần kinh

Bệnh lý zona thần kinh thường ảnh hưởng đến một vùng cơ thể nhất định. Những khu vực hay nhiễm zona là thắt lưng, lưng, ngực và bụng. Tuy nhiên, một số trường hợp thì zona phát triển ở vùng mặt, xung quanh mắt, miệng, tai và tay chân. Virus VZV cũng có thể tấn công đến những nội tạng của cơ thể bệnh nhân.

Nguyên nhân khiến bệnh zona thần kinh chỉ xảy ra trên một vùng cơ thể cố định là do nó thường gây ảnh hưởng đến một hạch thần kinh gốc duy nhất ở gần sống lưng. Cảm giác đau nhức khó chịu cũng xuất phát từ đây chứ không phải do các mụn rộp trên da.

Trên thực tế, việc zona phát triển trên khu vực nào sẽ mang đến kết quả là những triệu chứng có sự khác biệt, cụ thể là:

  • Cảm giác đau âm ỉ kéo dài trên vùng da, kèm theo đó có thể là nóng rát, châm chích như kim đâm.
  • Trên da xuất hiện các vết ban như khi bị bệnh trái rạ, tuy nhiên nó sẽ tập trung ở các khu vực nhất định.
  • Việc phát ban có thể dẫn đến các nốt mụn rộp chứa đầy chất dịch lỏng trong suốt.

Bệnh zona thần kinh trên người: Lưng, bụng, sườn

Tình trạng phát ban kèm mụn phồng rộp từ một đến nhiều vệt trải dài trên các đốt da (dermatome). Vị trí nó xuất hiện thường là mạn sườn, vùng bụng, lưng và xung quanh eo. Nó chỉ mọc ở một bên.
Vị trí kể trên sẽ phụ thuộc vào đốt da mà virus tác động vào.

Zona thần kinh vùng mặt

  • Vị trí zona tấn công là vùng da quanh mắt và trán.
  • Đau đớn trên vùng bị bệnh.
  • Phát ban mụn rộp.
  • Mất sức ở cơ bắp.
  • Đầu đau nhức.

Bệnh zona thần kinh ở mắt

Nếu virus tấn công vào dây thần kinh của mắt, nghĩa là bệnh nhân đã mắc phải bệnh herpes zoster ophthalmicus. Nó sẽ gây tình trạng đỏ lòng mắt, sưng và đau viền mắt và thậm chí cả mất khả năng nhìn tạm thời.

Bệnh zona ở tai

Khi bệnh diễn ra, ngoài các biểu hiện chung thì bệnh có thể khiến khả năng nghe ở bên tai bị nhiễm virus giảm sút, đồng thời làm các cơ mặt gần đó yếu đi.

Bệnh zona thần kinh ở vùng miệng

  • Đau vùng mặt xung quanh miệng.
  • Đau răng.
  • Tổn thương các mô cứng hoặc mềm cửa vòm miệng.
  • Đau đớn khi mở miệng để ăn hay uống.
  • Một số biểu hiện ít gặp khác
  • Người bệnh zona thần kinh có thể cảm thấy dạ dày khó chịu.
  • Mệt mỏi toàn thân.
  • Cảm giác ớn lạnh.
  • Sốt nhẹ.

Cách phòng tránh bệnh zona thần kinh

Nhiều người có thể sẽ đặt câu hỏi là liệu zona thần kinh có lây hay không? Câu trả lời là bệnh không thể truyền trực tiếp từ người sang người. Tuy nhiên, với người chưa từng có tiền sử thủy đậu, khi có sự tiếp xúc với mủ nước của bệnh nhân zona sẽ bị nhiễm virus VZV. Nếu bị nhiễm mà họ lại chưa được tiếp vaccine phòng bệnh thủy đậu thì khả năng bệnh trái rạ xuất hiện là rất cao.

Bệnh zona thần kinh cũng không thể lây nếu bệnh nhân ho hay hắt hơi, việc quan trọng nhất cần làm đề che chắn thật kỹ vùng da phát ban. Một lưu ý quan trọng nữa là virus chỉ có khả năng lây lan khi mụn nước được hình thành, còn lại khi lớp da đã đóng vảy thì nó không còn có thể gây nhiễm bệnh đến người khác.

Các biện pháp đề phòng tránh bệnh zona thần kinh lây lan:

  • Nên để vết phát ban được che lại, tránh cho chúng bị vỡ.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng kháng khuẩn.
  • Tránh gãi hay dùng tay đụng chạm vào vùng da bị bệnh.
  • Những người bị bệnh cũng cần tránh tiếp xúc quá nhiều với các đối tượng sau: Trẻ em sơ sinh, các bé sinh non, phụ nữ đang trong thai kỳ hoặc đang cho con bú, những người chưa từng tiêm vaccine thủy đậu và những người có hệ miễn dịch yếu.
  • Tiêm vaccine: Với trẻ em là vaccine thủy đậu và người trưởng thành là vaccine zona thần kinh.