Đến hết năm 2020, các bệnh viện tuyến trung ương phải có phòng công tác xã hội

Theo đánh giá của Bộ Y tế, thời điểm hiện tại, nhiều phòng công tác xã hội tại các bệnh viện như: Nhi Trung ương, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Bạch Mai, Tim Hà Nội, Phụ sản Hà Nội,… đã làm tốt nhiệm vụ hỗ trợ, giải quyết các vấn đề tâm lý cho bệnh nhân và gia đình người bệnh. Đồng thời, thực hiện tổ chức tiếp đón chu đáo, hướng dẫn người bệnh tận tình về quy trình thủ tục khám chữa bệnh, giải thích các chế độ chính sách cho người bệnh. Đặc biệt đã kết nối hiệu quả những trường hợp bệnh nhân khó khăn với cộng đồng hoặc kết nối các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo từ cộng đồng tới điều trị tại bệnh viện.
Từ hiệu quả của mô hình triển khai xây dựng phòng công tác xã hội trong bệnh viện thời gian qua, Bộ Y tế tiếp tục đặt mục tiêu đến hết năm 2020, phòng công tác xã hội phải được thành lập tại 100% bệnh viện tuyến trung ương, 60% bệnh viện tuyến tỉnh, 30% các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện. Bên cạnh việc thành lập phòng công tác xã hội ở bệnh viện, Bộ Y tế còn đưa ra quy trình đào tạo nhân viên công tác xã hội. Theo đó, đến năm 2020 phải xây dựng chương trình và hoàn thành tài liệu đào tạo và đào tạo lại về nghề công tác xã hội cho các nhóm đối tượng, sinh viên các trường đại học, cao đẳng y dược.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Y tế đã đưa hoạt động công tác xã hội trở thành một trong những nội dung chính trong tiêu chí đánh giá đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên ngành y tế.