Cần phải quyết liệt hơn trong phòng chống dịch bệnh
Cho đến thời điểm này, quận Cầu Giấy có lũy tích 94 trường hợp mắc sốt xuất huyết với 12 ổ dịch. Hiện 83 bệnh nhân đã điều trị khỏi và 10 ổ dịch đã kết thúc, còn lại 11 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện và 2 ổ dịch đang hoạt động là Trung Hòa và Mai Dịch. Riêng phường Mai Dịch có số người mắc nhiều nhất là 41 trường hợp.
Bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết được coi là nhiệm vụ chính trị của quận. Chủ tịch UBND quận đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho ngành y tế và Chủ tịch UBND các phường chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Ban chỉ đạo phòng chống dịch của quận giao ban, rà soát tiến độ triển khai tại các phường, các phòng, ngành liên quan. Ban chỉ đạo quận kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các phường, xuống tận tổ dân phố, khu vực nhiều nguy cơ, chỉ đạo cụ thể công tác phòng chống dịch.

Về công tác chuyên môn, ThS Đỗ Thị Thu Hà, Giám đốc TTYT quận Cầu Giấy cho biết, cùng với công tác tuyên truyền, ngành y tế quận đã tổ chức tập huấn cho các cán bộ TTYT, y tế cơ quan, y tế trường học và y tế ngoài công lập về các biện pháp giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch, chẩn đoán, điều trị bệnh sốt xuất huyết. Quận đã tổ chức đợt cao điểm vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết trong tháng 5 và hiện đang tiếp tục tăng cường thực hiện tại các khu vực trọng điểm, khu vực có nguy cơ cao. Đã có 39.104 hộ gia đình được kiểm tra đạt 96%, 97.763 dụng cụ chứa nước kiểm tra bọ gậy, phát hiện 1949 dụng cụ có chứa bọ gậy. Các dụng cụ chứa nước có bọ gậy đã được lật úp, thả cá, thả hóa chất để diệt bọ gậy, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Với các ổ dịch có số người mắc cao đã được phun hóa chất diện rộng.
TTYT đã thực hiện giám sát dịch bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế được phân công. Đã có 3131 hộ gia đình được giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch theo quy định; 2663 hộ được xử lý môi trường. Đặc biệt, tất cả các ổ dịch được xử lý trong vòng 48 giờ. Hiện tại còn một ổ dịch ở tổ 1, phường Mai Dịch có diễn biến phức tạp đang được trung tâm tập trung lực lượng quyết liệt thực hiện các biện pháp chống dịch để ổ dịch sớm kết thúc.
Còn tại quận Nam Từ Liêm ghi nhận 94 ca sốt xuất huyết tại 6 ổ dịch rải rác tại các phường, số bệnh nhân nhiều nhất bắt đầu từ đầu tháng 6 và tập trung tại phường Mễ Trì 44 trường hợp, Trung Văn 23 trường hợp.
TTYT quận đã chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đến khám tại các cơ sở y tế trên địa bàn và tại cộng đồng thông qua mạng lưới cộng tác viên, y tế thôn. Tất cả đã có 204/244 ca được giám sát, đạt 83,6%, tỷ lệ tự phát hiện sốt xuất huyết là 63/94, đạt 67%. Song song với giám sát bệnh nhân, TTYT quận đã thực hiện giám sát côn trùng tại 100% ổ dịch cũ, 25 điểm nguy cơ trong đó phát hiện có 5 điểm nguy cơ bùng phát dịch cao. Tại các điểm này, TTYT quận đã phối hợp với chính quyền địa phương tiền hành vệ sinh môi trường, chủ động phòng chống dịch. Mới đây, TTYT Dự phòng thành phố đã phun hóa chất diện rộng tại tổ dân phố số 3, 4 phường Mễ Trì với kết quả 764/862, đạt 88,6% hộ dân được xử lý bằng hóa chất.

Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp
Thời tiết đang mùa nắng nóng, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Chính quyền các địa phương đã vào cuộc, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp để phòng chống dịch nhưng số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết của quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và một số quận, huyện khác đang tiếp tục gia tăng. Qua khảo sát cho thấy người dân vẫn còn chưa thật sự chung tay để phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này. “Người dân có kiến thức về bệnh, biết cách phòng bệnh nhưng chưa thực sự dành thời gian thường xuyên, liên tục cho công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy ngay tại gia đình” – ThS Đỗ Thị Thu Hà cho biết.
Theo điều tra, ổ dịch tại gia đình ông N.Đ.N ở ngõ 5, đường Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy có tới 14 người mắc sốt xuất huyết, trong đó có cả gia đình ông N và sinh viên thuê trọ. Tất cả 14 bệnh nhân này đã được điều trị khỏi và ngay tại nhà ông N đã được cán bộ y tế đến tuyên truyền, xử lý dịch nhiều lần. Thế nhưng, quay lại nhà ông N không lâu sau đó, đoàn cán bộ của Sở Y tế Hà Nội đã phát hiện nhà ông vẫn có các ổ bọ gậy có trong các lốp xe đạp, xe máy và xe ô tô mà gia đình ông mua về và vứt lên mái nhà để ngăn gió bão.
Còn anh N.T.B ở 194 đường Phạm Văn Đồng làm nghề mua bán phụ tùng ô tô cũ. Trong nhà anh có hơn 1800 chiếc lốp ô tô các loại, phần lớn chúng được để ngoài trời. Mưa nhiều nên nước đọng lại trong các lốp xe tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh trưởng và phát triển. Qua kiểm tra cũng đã phát hiện nhiều ổ bọ gậy tại đây. Anh B cũng cam kết, trong vòng 5 ngày anh sẽ vận chuyển hết số lốp ô tô dời khỏi địa điểm trên đến nơi tái chế ở Vĩnh Phúc. Ủng hộ việc làm của anh B, TTYT Dự phòng thành phố và TTYT quận đã bố trí cán bộ thường trực phun hóa chất tồn lưu vào từng chiếc lốp được vận chuyển đi để tránh mang dịch bệnh đến địa phương khác.
Gia đình bà Đ.T.M ở ngách 32/48/12 phố Đỗ Đức Dục, phường Mễ Trì có 4 người mắc sốt xuất huyết. Mặc dù đã được tuyên truyền, được cán bộ y tế đến tận nhà hướng dẫn, hỗ trợ diệt bọ gậy thế nhưng cũng chỉ sau ít ngày bọ gậy lại xuất hiện trong bể chứa nước dội nhà vệ sinh của nhà bà M.
Tiếp tục tăng cường phòng chống dịch bệnh
Trong buổi làm việc với quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết chưa có gì là thay đổi so với những năm trước đây. Đó là diệt muỗi, tránh muỗi đốt, diệt bọ gậy. Chính vì vậy cần tuyên truyền người dân ngủ phải nằm màn, dùng hương muỗi, kem xoa chống muỗi để tránh muỗi đốt. Tiếp đến là diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách xử lý các ổ bọ gậy như thả cá vào các bể nước, thả hóa chất vào chậu hoa, cây cảnh, bể nước đọng, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết, thu gom các phế liệu, phế thải để muỗi không có nơi đẻ trứng. Cuối cùng là phun hóa chất để diệt muỗi trưởng thành.
Chính quyền các địa phương phải thực sự vào cuộc cùng với ngành y tế, tổ chức họp dân để thông báo tình hình dịch, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch cũng như có các biện pháp xử lý hành chính các tổ chức, cá nhân không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để dịch bệnh lan rộng.